#94 – Nhân tố Mỹ: Trung – Mỹ xích lại gần nhau và thái độ của TQ đối với Chiến tranh Việt Nam, 1968-72

Print Friendly, PDF & Email

NIXON FAREWELL DINNER

Nguồn: Chris Connolly (2005). “The American Factor: Sino-American Rapprochement and Chinese Attitudes to the Vietnam War, 1968–72”, Cold War History, Vol. 5, No. 4, pp. 501-527.

Biên dịch: Trần Hương Phong | Hiệu đính: Vương Thảo Vy

Bài liên quan: #59 – Yếu tố kinh tế trong rạn nứt quan hệ Việt – Trung giai đoạn 1972-75

Giới thiệu

Rõ ràng là bất kỳ công trình nghiên cứu nào về Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thập niên 1960 và 1970 ắt hẳn đều dẫn chiếu đến cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như bất kỳ công trình nào về sự can dự của Trung Quốc vào cuộc chiến tranh Việt Nam không thể bỏ qua mối quan hệ dần khởi sắc của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bài viết này cố gắng lấp đầy khoảng trống giữa hai quan điểm ấy, và xem xét mối liên hệ giữa hai sự kiện đúng như bản chất của chúng. Đó là một quá trình chuyển biến thực sự bất thường từ chỗ Bắc Kinh hoàn toàn phản đối Bắc Việt Nam đàm phán với Mỹ tại Paris (hay bất cứ nơi nào khác), tới việc các nhà lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Nam DCCH) yêu cầu rằng Mao không nên tiếp tổng thống Hoa Kỳ ở Bắc Kinh (và yêu cầu này đã bị từ chối).

Tuy nhiên, phần lớn hiểu biết của chúng ta về vai trò của Trung Quốc là dựa trên hồi ký của những người Mỹ quan trọng tham gia vào những sự kiện đó, và một phần ít hơn là dựa vào lời thuật lại từ phía Việt Nam trong cay đắng bởi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba (hay Chiến tranh biên giới Việt – Trung). Báo cáo khoa học của Dự án Lịch sử quốc tế thời kỳ Chiến tranh lạnh, 77 Cuộc Hội đàm giữa Lãnh đạo Trung Quốc và Nước ngoài về Chiến tranh ở Đông Dương, 1964-1977,1 đã đem lại hiểu biết mới về các cuộc thảo luận của lãnh đạo Trung Quốc, trong lúc những năm gần đây các sách báo xuất bản chính thức mới và công trình của một số học giả Trung Quốc – những người được tiếp cận với tài liệu lưu trữ của Trung Quốc – đã nâng cao kiến ​​thức của chúng ta về các hành động của quốc gia này.

Nhằm phục vụ mục đích của bài viết này tác giả đã tập hợp lại một số những công trình đó, và kết hợp chúng với nghiên cứu riêng của mình tại Hoa Kỳ và Cục Lưu trữ Quốc gia Anh để cố gắng phác họa một bức tranh tổng thể về mối quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh – Washington từ mùa hè 1968, là lúc Bắc Kinh kịch liệt phản đối Bắc Việt Nam đàm phán với người Mỹ, cho tới mùa hè 1972, khi Mao bắt đầu thúc giục các đồng chí Việt Nam chấp nhận Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Nam Việt Nam là một đối tác trong chính phủ liên hợp để tạo điều kiện cho người Mỹ rút khỏi Đông Dương. Tác giả đã cố ý né tránh cụm từ mối quan hệ ‘tam giác’, vì phạm vi của bài viết này không xem xét các cuộc đàm phán của Bắc Việt Nam với Hoa Kỳ, cũng như không dành chỗ để nghiên cứu sâu về mối quan hệ của Bắc Kinh hoặc Hà Nội với Matxcơva. Tuy nhiên, bài viết này đề cập đến những câu hỏi như việc Trung-Mỹ xích lại gần nhau làm thay đổi thái độ của Trung Quốc đối với chiến tranh Việt Nam tới mức độ nào, và khi nào, tại sao và tới mức độ nào mà Trung Quốc bắt đầu cố vấn cho Bắc Việt Nam để đi đến thỏa thuận với Hoa Kỳ trong một giải pháp thương lượng.

Phản đối đàm phán

Cho tới tháng Mười năm 1968, những người cộng sản Bắc Việt Nam không còn nghi ngờ gì về quan điểm của Trung Quốc đối với quyết định tháng Tư của họ về việc mở đàm phán với chính phủ Hoa Kỳ. Ngay từ tháng 12/1965, sau khi Nghị quyết 12 (cho phép mở các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ) được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ mười hai của Đảng Lao động Việt nam (ĐLĐVN), Chu Ân Lai đã khuyên Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Nam Nguyễn Duy Trinh là “chúng tôi không phản đối ý tưởng rằng khi chiến tranh đạt đến một giai đoạn nhất định đàm phán sẽ là cần thiết. Nhưng vấn đề là thời điểm chưa chín muồi”.2 Đây là một quan điểm mà Trung Quốc đã không ngừng duy trì trong suốt thời gian xen giữa. Tuy nhiên, để đáp lại tuyên bố ngày 31 tháng 3 năm 1968 của Lyndon Johnson đình chỉ ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra để tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm, ngày 03 tháng Tư Bắc Việt Nam đã trả lời theo chiều hướng tích cực, và rõ ràng đã không thông báo trước cho đồng minh Trung Quốc của mình.3 Hà Nội đã đề xuất Vácsava là một địa điểm thích hợp cho các cuộc tiếp xúc ban đầu, sau khi người Mỹ từ chối Phnom Penh; tuy nhiên Trung Quốc đã phê phán mạnh mẽ các đồng chí Bắc Việt của mình về hai hành vi thỏa hiệp này: “Từ kinh nghiệm của bản thân mình, chúng tôi thấy rằng đàm phán chỉ nên bắt đầu khi chúng ta có một vị thế mạnh hơn, không phải là thế yếu… Tình hình cho thấy các đồng chí Việt Nam đã dễ dàng thỏa hiệp. Nhân dân thế giới không thể không nghĩ rằng các đồng chí đang gặp phải khó khăn trong cuộc đấu tranh của mình”.4

Quan hệ của Trung Quốc với Bắc Việt Nam xấu đi trong suốt mùa hè 1968, và đã có bước ngoặt lớn theo chiều hướng tệ hơn sau khi Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc vào ngày 20 tháng Tám, một sự kiện làm kinh động các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ngày 22 tháng 8, Mao gặp gỡ các nhân vật cấp cao của đảng, trong đó có Chu Ân Lai và nhóm “Tứ trụ Nguyên soái” (Trần Nghị, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn và Diệp Kiếm Anh), để thảo luận phản ứng của họ đối với cuộc xâm lược. Tối hôm sau, sau khi tham vấn với đại sứ Rumani tại Bắc Kinh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, quyết định được đưa ra là cũng ngay tối hôm đó Chu Ân Lai sẽ đích thân tham dự một buổi lễ tiếp tân tại Đại sứ quán Rumani nhân ngày Quốc khánh của nước này, tại đây ông sẽ có bài phát biểu tuyên bố phản ứng của Trung Quốc. Việc chọn thời điểm có thể nói là thuận lợi, ít nhất là  trong bối cảnh lúc đó: chỉ có Bucharest là cảm thấy bất an hơn vì sự kiện này so với Bắc Kinh, do vậy Đại sứ quán Rumani đã trở thành một diễn đàn công khai của phe “chủ nghĩa xã hội”, nơi mà tất cả đại sứ của các nước Hiệp ước Vacsava sẽ có mặt, để tại đây Chu có thể biểu lộ cơn thịnh nộ của Trung Quốc. Vậy là, ngày 23 tháng 8, Chu Ân Lai lần đầu tiên công khai buộc tội Liên Xô đã trở thành “đế quốc xã hội chủ nghĩa” và cùng lúc, truyền thông Trung Quốc cũng ra lời tố cáo cay độc về các sự kiện ở Tiệp Khắc. Dù học thuyết Brezhnev về “chủ quyền hạn chế” phải mấy tháng sau mới được đưa ra, nhưng những ẩn ý (của sự kiện này) đối với Trung Quốc dường như đã quá rõ ràng đối với các nhà lãnh đạo nước này: Liên Xô bây giờ là mối uy hiếp đối với an ninh Trung Quốc còn lớn hơn so với Mỹ.5

Đáng lo ngại cho giới lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Việt Nam lại bày tỏ sự ủng hộ cực kỳ mạnh mẽ và nhanh chóng đối với hành động của Liên Xô, điều chắc chắn làm Trung Quốc tức giận và bất an. Mặc dù tình trạng quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh khá ảm đạm, phản ứng kiên quyết một cách rõ ràng của Hà Nội làm ngạc nhiên ngay cả nhiều nhà quan sát nước ngoài tại Hà Nội.6 Thậm chí trước khi Trung Quốc chính thức hóa lập trường của họ, truyền thông Bắc Việt đã phát ra tuyên bố ủng hộ cuộc xâm lược. Người phát ngôn của Bắc Việt Nam tại các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris, Nguyễn Lê Thanh, tiếp tục đưa ra bình luận tích cực, công khai ủng hộ mục tiêu của cuộc xâm lược là “tăng cường tính thống nhất của phe xã hội chủ nghĩa”.7

Vì Bắc Việt Nam tăng cường ủng hộ hành động của Liên Xô, do vậy Trung Quốc cũng gia tăng cường độ công kích, đối với cả Liên Xô lẫn những người “nuôi dưỡng ảo tưởng về chủ nghĩa xét lại Xô viết và chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Lời buộc tội của Chu Ân Lai (trong cùng bài phát biểu) vào ngày 2 tháng 9 năm 1968 là “đã đến lúc [họ] phải thức tỉnh!”8 Lời tuyên bố này, biểu lộ rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng làm cho Bắc Việt phải mất mặt ngay ngày quốc khánh của mình, phản ánh sự không hài lòng và bất mãn sâu sắc của Trung Quốc. Các nguồn tư liệu có sẵn cho thấy dường như có rất ít các cuộc tiếp xúc khác giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong khoảng thời gian còn lại của tháng Chín, phản ánh tình trạng rất xấu trong quan hệ Trung-Việt thời gian này. Ngày 01 tháng Mười, trong lễ kỷ niệm Quốc khánh đánh dấu lần thứ mười chín ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa, các quan chức cấp cao Bắc Việt Nam tham dự lễ ở Bắc Kinh thấy mình bị xếp sau những đại biểu của Đảng Cộng sản Úc (theo chủ nghĩa Mác-Lê).9 Ngày 06 tháng 10, Chu Ân Lai đánh điện cho Đại biện lâm thời Trung Quốc tại Hà Nội chỉ thị cho ông ta thông báo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng “vì bận việc trong nước” Trung Quốc không còn có thể tiếp phái đoàn Bắc Việt Nam đang có ý định sang thăm.10 Một cuộc họp gay gắt giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Bắc Việt Nam Lý Ban và Chu Ân Lai diễn ra vào ngày 09 tháng Mười, khi Chu cho rằng các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ sẽ dẫn đến một sai lầm ở mức độ tương tự như Hiệp định Geneva 1954, trong lúc đó cũng vào khoảng thời gian này Trung Quốc đã bắt đầu rút một bộ phận công binh và các tiểu đoàn phòng không đi kèm vốn đã đóng quân ở Bắc Việt Nam từ tháng Sáu năm 1965.11

Những căng thẳng gia tăng giữa hai bên lên đến đỉnh điểm trong một cuộc tranh luận bên lề giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Nghị và ủy viên Bộ Chính trị Bắc Việt Nam, trưởng đoàn đàm phán tại Paris Lê Đức Thọ. Trần Nghị phê phán các đồng chí Bắc Việt về bốn vấn đề: họ đã để mất thế chủ động khi chấp nhận hòa đàm để đổi lấy việc chấm dứt ném bom một phần; bằng cách chấp nhận đàm phán bốn bên họ đã làm suy yếu vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) là người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam; lập trường của họ có thể sẽ giúp cho Hubert Humphrey giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11; và cuối cùng Trần đã buộc tội rằng họ đã “chấp nhận đề xuất thỏa hiệp và đầu hàng mà những kẻ theo chủ nghĩa xét lại Xô-viết đưa ra… Vì thế, không còn gì hơn để bàn luận giữa hai đảng và chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc chúng ta… do vậy chúng tôi sẽ xem xét những thay đổi tình hình trong tháng 11”.12 Thọ không có ý chịu khuất phục, nên khi Trần Nghị nhắc lại những sai lầm trong việc ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, Thọ vặn lại rằng họ mắc phải sai lầm “Vì [người Việt Nam] chúng tôi nghe theo lời khuyên của các ông”.13

Đằng sau những lời lẽ gay gắt của Trần Nghị ẩn chứa một thực tế rằng quyết định mở đối thoại với Hoa Kỳ của Bắc Việt Nam đã mâu thuẫn trực tiếp với đường lối mà Trung Quốc tán thành. Trong bầu không khí căng thẳng của cuộc Cách mạng Văn hóa, Việt Nam đã bị coi là tâm điểm của tất cả những mâu thuẫn trên thế giới, tức là tâm điểm của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội, và Trung Quốc đã thường xuyên nhắc nhở các đồng chí Việt Nam của mình rằng trong đấu tranh những gì không giành được trên chiến trường thì cũng không thể giành được trên bàn thương lượng.14 Trung Quốc cho rằng, những nhượng bộ của Bắc Việt Nam đồng nghĩa với việc tiếp cận đàm phán một cách thụ động và không giữ thế thượng phong trên mặt trận quân sự; rút cục là, điều này sẽ gây tổn hại cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, và sự nghiệp cách mạng thế giới. Hơn nữa, Trung Quốc lo sợ hai siêu cường có thể sẽ vì các mục tiêu của mình mà thông đồng với nhau và buộc Bắc Việt Nam phải chấp nhận một giải pháp không mang lại thắng lợi.

Sự thành công của Bắc Việt Nam quan trọng đối với Trung Quốc vì nhiều lý do. Thứ nhất, lãnh đạo Trung Quốc đồng cảm thực sự với cuộc đấu tranh của Việt Nam, theo cách tương tự mà họ đã quan tâm đến những vấn đề của Triều Tiên. Mối quan ngại vượt qua những toan tính địa chính trị đơn thuần: đối với Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên là một phần của “vũ trụ văn hóa” của họ, những quốc gia mà vận mệnh gắn với Trung Quốc trên cơ sở quan hệ lịch sử, và Trung Quốc có nghĩa vụ đối với những nước này. Sự tiếp tục tồn tại của chế độ ở Bình Nhưỡng và Hà Nội không chỉ quan trọng đối với Bắc Kinh về mặt địa chính trị, mà còn cả ý nghĩa về mặt tinh thần: sự thất bại của chủ nghĩa xã hội tại một trong hai quốc gia này, hay thực ra là một sự tuyệt giao vĩnh viễn giữa Bắc Kinh với một trong hai nước, hẳn sẽ là thất bại trong trù hoạch của Mao Trạch Đông và vai trò lãnh đạo của Trung Quốc. Ngoài ra, về mặt địa chính trị mà nói, trong mắt của Mao Trạch Đông, sự thất bại của cách mạng Việt Nam không chỉ làm nguội bớt ngọn lửa cách mạng trên toàn thế giới và giảm nhẹ nỗi lo cho Hoa Kỳ mà còn làm tăng cường thế trận bao vây chống Trung Quốc. Trên tầm ý thức hệ điều đó cũng sẽ tiếp tục làm suy yếu những lập luận của Mao về tính tất yếu của chiến tranh và cách mạng. Vì vậy, Trung Quốc quyết tâm không dính dáng đến các cuộc đàm phán Paris, và lên án chúng là “gian lận”.

Tuy nhiên, lập trường của Bắc Việt Nam và phản ứng của Trung Quốc về các sự kiện ở Praha cũng gắn kết chặt chẽ với các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris. Kể từ khi Khrushchev bị lật đổ, không giống như hầu hết các đảng cộng sản khác trên thế giới, Bắc Việt Nam đã giữ một đường lối tương đối kiên định giữa bối cảnh rạn nứt Trung – Xô ngày càng gia tăng, và do đó thành công trong việc duy trì sự ủng hộ của cả hai “anh cả”. Tuy nhiên, sự ủng hộ nhiệt thành của Việt Nam DCCH đối với hành động của Liên Xô cho thấy Hà Nội đã tính toán rằng bằng cách biểu thị mạnh mẽ sự ủng hộ đối với Liên Xô, họ sẽ đạt được lợi ích tốt nhất.15 Việc khối Xô-viết cung cấp thiết bị quân sự hiện đại rõ ràng là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quyết định này, dù chỉ tới năm 1968 giá trị viện trợ của Liên Xô mới vượt xa viện trợ của Trung Quốc.16 Tuy nhiên, sự ủng hộ ngoại giao mạnh mẽ đối với chiến lược đàm phán của Hà Nội là việc mà Matxcơva đã làm chứ không phải Bắc Kinh, do vậy việc ủng hộ cuộc xâm lược Tiệp Khắc chắc hẳn được xem như là một cử chỉ đền đáp của Việt Nam đối với Liên Xô, và là cử chỉ thách thức bất chấp sự chỉ trích của Trung Quốc về chiến lược ngoại giao mà Hà Nội đang theo đuổi.

Dẫu sao cũng không có gì ngạc nhiên khi việc Hà Nội liên kết chặt chẽ với Liên Xô trên lưng một vấn đề mang tính kích động như học thuyết “chủ quyền hạn chế” trong một năm mà căng thẳng giữa Trung Quốc và Liên Xô liên tục gia tăng lại làm Trung Quốc nổi giận như chúng ta đã thấy. Tác động của nó là làm cho Trung Quốc càng thêm lo lắng về bất kỳ thỏa thuận hòa bình ‘có tính chất đầu hàng’ nào mà các cuộc đàm phán Paris có thể đưa đến (có thể thấy là Liên Xô đã góp phần trong đó), và lo ngại về tiến trình tương lai trong chính sách của Bắc Việt Nam. Khi các cuộc đàm phán nghiêm túc ở Paris lấy được đà tăng tốc cho suốt tới đầu tháng Mười, và triển vọng của một giải pháp thương lượng trở nên thực tế hơn, sự chống đối của Trung Quốc cũng gia tăng và trở nên rõ ràng hơn. Tình thế này do vậy đã có tác dụng buộc Bắc Việt phải liên kết chặt chẽ hơn với Liên Xô vốn là nguồn ủng hộ về ngoại giao cho đường lối hành động mà họ đã lựa chọn. Về vấn đề này, Bắc Kinh đã trở thành một nạn nhân của chính hệ tư tưởng và hoạt động tuyên truyền của họ, và do đó, tới giữa tháng Mười, Trung Quốc đã gần như tự đẩy mình vào góc tường. Nếu đàm phán thành công bất chấp việc họ phản đối để gây sức ép, thì Trung Quốc thậm chí có thể bị cách ly nhiều hơn trên trường quốc tế, đường lối của Bắc Kinh có thể bị mất tín nhiệm nặng nề, và Bắc Việt Nam sẽ có khả năng xích lại gần hơn với Liên Xô, những người bây giờ thậm chí là mối đe dọa còn lớn hơn nữa đối với Bắc Kinh so với khi chúng mới xuất hiện lúc đàm phán Paris bắt đầu hồi tháng Năm. Các lựa chọn của Bắc Kinh thực ra rất khó khăn.

Hai ngày sau cuộc gặp gỡ khó chịu giữa Trần Nghị và Lê Đức Thọ, đài phát thanh Trung Quốc lần đầu tiên đã nhắc đến sự tồn tại của các cuộc đàm phán ở Paris, báo hiệu bắt đầu có sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc đối với các cuộc đàm phán ở Paris. Đồng thời việc đưa tin về các trận đánh ở miền Nam Việt Nam và đánh bom của Mỹ ở miền Bắc cũng giảm đi. Trong tuần lễ trước ngày diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ vào mùng 5 tháng 11, Trung Quốc đột ngột ngừng toàn bộ việc đưa tin về Việt Nam (và các cuộc đàm phán ở Paris). Với kỳ vọng rằng một thỏa thuận nào đó rất có thể được dàn xếp ngay trước ngày bầu cử (nhiều người mong đợi ​​Johnson “bất ngờ đưa ra kế gì đó” để thắng cử trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hubert Humphrey), sự im lặng hoàn toàn của Bắc Kinh phản ánh tình thế khó xử mà nước này đang lâm phải: nếu đàm phán thất bại, thì lập trường của lãnh đạo Trung Quốc hẳn sẽ được biện hộ, mặt khác, nếu tiếp tục lên án các cuộc đàm phán một khi chúng thành công sẽ làm Bắc Việt xa cách hơn nữa và đẩy họ sâu hơn vào vòng tay của ‘những kẻ xét lại’ (tức Liên Xô – NBT). Do đó, im lặng ngự trị trong suốt những ngày cuối tháng 10, và những ngày đầu tiên của tháng 11 cho đến mùng 03 tháng 11, tờ Nhân dân Nhật báo công bố toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Johnson tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc Việt Nam, kèm theo nguyên văn lời đáp của chính phủ Việt Nam DCCH. Đối với công chúng Trung Quốc thông điệp cơ bản của sự kiện này là chính phủ Trung Quốc tạm hoãn phán xét Việt Nam “cho đến khi các cuộc đàm phán hoặc có tiến triển – hoặc ngược lại”: về bản chất là để cho người Việt Nam tự quyết định.17

Chấp thuận thận trọng

Trên thực tế, câu nói rằng để cho người Việt Nam tự quyết định là ngôn từ Mao Trạch Đông đã sử dụng chưa đầy hai tuần sau khi nghe báo cáo về cuộc gặp gỡ của Chu Ân Lai với Thủ tướng Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng.18 Hai ngày sau đó, đích thân Mao nói với phái đoàn Việt Nam đến thăm Trung Quốc: “Chúng tôi nhất trí với khẩu hiệu của các bạn là vừa đánh vừa đàm. Có một số đồng chí lo rằng Hoa Kỳ sẽ đánh lừa các bạn. Nhưng tôi bảo họ không việc gì phải [lo]. Đàm phán cũng như thể là chiến đấu. Các bạn đã rút được kinh nghiệm, hiểu rõ các nguyên tắc”.19

Cuộc gặp gỡ giữa Mao và Phạm Văn Đồng vào ngày 17 tháng Mười năm 1968 là một sự kiện quan trọng và nhạy cảm đối với cả hai bên. Sự chấp thuận của Mao đối với chiến lược của Việt Nam vẫn là có điều kiện. Ông lái cuộc trò chuyện sang đề tài Hội nghị Geneva 1954 và, mặc dù khá lúng túng khi ông tuyên bố có thể không “nhớ hết toàn bộ câu chuyện”, nhưng ông cũng thừa nhận rằng lúc đó thỏa hiệp là sai lầm, và rằng việc đưa vào trong bản thỏa thuận “một điều khoản về việc rút quân tập kết” về miền Bắc là một cơ hội bị đánh mất. Cũng như để tiến tới cải thiện quan hệ với Bắc Việt Nam sau nhiều tháng rất sóng gió, Mao đã tìm ra những nét tương đồng với vòng đàm phán hiện tại, và gián tiếp khuyên Việt Nam về những gì họ nên và không nên chấp nhận.20 Ông cũng bắt đầu thăm dò thử quyết tâm tiếp tục chiến đấu của Việt Nam, và xem Việt Nam có sẵn lòng thỏa hiệp với việc cho phép quân đội Mỹ ở lại Nam Việt Nam hay không. Theo thói thường, Mao đã cố tình khiêu khích, khi nói với các vị khách Việt Nam rằng người Mỹ sẽ để cố vấn của họ ở lại Việt Nam. Khi nghe lời đáp lại chân thành cam đoan với Mao rằng họ [Việt Nam] sẽ không chấp nhận bất kỳ người Mỹ nào ở lại, ngay cả với tư cách là cố vấn, và rằng cuộc chiến đấu sẽ tiếp tục “cho đến khi miền Nam được hoàn toàn độc lập và tự do, cho đến khi đất nước thống nhất. Có làm như vậy, chúng tôi mới trung thành với lời dạy của chủ tịch [Hồ Chí Minh] của chúng tôi cũng như [chỉ dẫn] của đồng chí”, Mao có vẻ hài lòng. “Nghĩ theo cách đó thì tốt… Nếu các đồng chí dựa vào đàm phán để buộc Mỹ phải ra đi thì rất khó”.21

Sau giai đoạn tồi tệ nhất trong quan hệ Trung – Việt xảy ra vào tháng Mười, cuộc gặp gỡ này cũng là một cơ hội tốt để Bắc Việt Nam cải thiện mối quan hệ với “người anh lớn” của họ: thực ra, chính họ là người yêu cầu được gặp chủ tịch Mao.22 Phạm Văn Đồng cố gắng gần như ngay lập tức chỉ ra rằng phái đoàn gồm có hai đồng chí miền Nam, là Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc)23 và Lê Đức Anh, những người được Ban chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu “tháp tùng các đồng chí Phạm Văn Đồng và Lê Thanh Nghị sang Trung Quốc để báo cáo với Chủ tịch Mao, Phó Chủ tịch Lâm Bưu, và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc về tình hình miền Nam”.24 Thông điệp ở đây là nhằm đảm bảo rằng họ sẽ không làm theo lời khuyên “đầu hàng” của “những kẻ theo chủ nghĩa xét lại”  Liên Xô và phản bội đồng bào miền Nam của mình. Trong suốt cuộc nói chuyện, ngôn ngữ của Nguyễn Văn Linh gần như là khúm núm, nói với Mao rằng lời khen ngợi của ông ta là sự khích lệ lớn lao đối với họ, rằng “chiến thắng giành được ở miền Nam, phần lớn là nhờ có sự giúp đỡ cũng như sự động viên của nhân dân Trung Quốc và [sự khích lệ] của đồng chí, Chủ tịch Mao … Quân đội của chúng tôi rất cảm động khi biết rằng Chủ tịch Mao thậm chí cũng quan tâm đến sức khỏe của chúng tôi”.25 Rõ ràng là phía Việt Nam đã nỗ lực hết sức để thuyết phục Trung Quốc về quyết tâm đấu tranh đến cùng của họ, như lời Mao đã khuyên. Về phần Trung Quốc, Mao cố gắng động viên Việt Nam rằng chiến lược “vừa đánh vừa đàm” của họ là thích hợp cho giai đoạn này của chiến dịch.

Đối với cả hai bên, điều làm cho giọng điệu mới đầy tôn trọng và hợp tác trở nên khả thi và đáng mong muốn, chính là việc Richard M. Nixon thắng cử trở thành Tổng thống Hoa Kỳ chưa đầy hai tuần trước đó. Đối với Bắc Việt Nam, với danh tiếng “Chiến binh Chiến tranh lạnh” của Nixon, thắng lợi của ông ta làm cho triển vọng một giải pháp nhanh bằng thương lượng dường như xa vời hơn, và do đó sự tiếp tục hỗ trợ của Trung Quốc, cả về tinh thần lẫn vật chất, là cần thiết. Tuy vậy, mặc dù có tiếng là cứng rắn với chủ nghĩa cộng sản, Nixon đã bày tỏ mong muốn có một hình thức mới trong quan hệ với Trung Quốc, đáng chú ý nhất là trong bài viết của ông vào tháng 10 năm 1967 cho tạp chí Foreign Affairs được xuất bản rộng rãi, do vậy mà khả năng của một mối quan hệ mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được nâng lên trong bối cảnh mối đe dọa chiến lược đối với Trung Quốc ngày càng tăng từ phía Liên Xô. Bầu không khí mới tạo ra bởi việc thắng cử của Nixon, cùng với khả năng đem lại “những đổi mới” của nó, được Chu Ân Lai nhấn mạnh trong bài phát biểu ​​với phái đoàn của Đảng Cách mạng Nhân dân Campuchia ngày 30 tháng 11, 1968.26 Tuy nhiên, những đổi mới này đồng thời làm phát sinh mâu thuẫn mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: làm thế nào để tiếp tục hỗ trợ Bắc Việt Nam và cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong khi vẫn theo đuổi việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.

‘Những đổi mới’

Trong suốt năm 1969, chiến lược toàn cầu của Trung Quốc có sự điều chỉnh lớn vì tình hình an ninh trên biên giới phía bắc của nước này xấu đi. Đầu năm 1969 đích thân Mao Trạch Đông ra lệnh công bố diễn văn nhậm chức của Nixon, trong đó tổng thống mới của Mỹ bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ với tất cả các nước trên thế giới. Bài diễn văn này được đăng tải lại trên các tờ báo địa phương trên khắp Trung Quốc: một sự kiện thực sự chưa từng có. Vào tháng Ba năm 1969, diễn ra các cuộc đụng độ vũ trang lớn giữa các lực lượng Trung Quốc và Liên Xô tại đảo Trân Bảo trên sông Ussuri, con sông vạch một phần biên giới giữa hai quốc gia. Mặc dù bạo lực xảy ra là do Trung Quốc khai chiến trước, nhưng sức mạnh phản ứng của Liên Xô đã làm lãnh đạo Trung Quốc bất ngờ. Tại Đại hội lần thứ 9 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng Tư năm đó, nước này đã tuyên bố Liên Xô là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia không kém gì Mỹ; hơn nữa, xung đột vũ trang nghiêm trọng hơn đã xảy ra dọc biên giới tây bắc của Trung Quốc vào tháng Tám.27

Trong bối cảnh của những sự kiện ấy, đã diễn ra một cuộc thảo luận nội bộ, mà biểu hiện rõ nhất là các báo cáo của “Tứ trụ Nguyên soái”, những người đã được Mao và Chu yêu cầu chú tâm đến và bàn thảo các vấn đề quốc tế quan trọng, rồi báo cáo lại về tình hình quốc tế. Giữa tháng Ba và tháng Mười, bốn nguyên soái đệ trình bốn báo cáo, với ba kết luận chủ chốt. Kết luận thứ nhất là, do những mâu thuẫn giữa hai bên, chiến tranh rất có khả năng xảy ra giữa Hoa Kỳ và Liên Xô hơn là giữa một trong hai, hoặc cả hai nước đó với Trung Quốc. Họ cũng kết luận rằng Liên Xô là mối đe dọa lớn hơn đối với Trung Quốc, và rằng Trung Quốc nên lợi dụng mâu thuẫn giữa hai nước kia. Phân tích này mang lại những hàm ý quan trọng cho quan điểm của Mao về cuộc chiến tranh Việt Nam. Hiểu rõ rằng châu Âu là ưu tiên chiến lược chính cho cả Mỹ và Liên Xô, kết hợp với sự khẳng định rằng Liên Xô bây giờ là một ‘đế quốc – xã hội chủ nghĩa’, có nghĩa là cuộc đấu tranh ở Đông Dương không còn là tâm điểm của tất cả những mâu thuẫn trên thế giới. Về phía Việt Nam, phân tích này có ý nghĩa lâu dài rất to lớn: trong khi Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cuộc đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam đánh đuổi người Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, phương thức mà người Mỹ ra đi giờ đây đối với Bắc Kinh ít quan trọng hơn rất nhiều. Trước đây Mao tìm cách hạ nhục Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, và phản đối mạnh mẽ bất cứ chính sách nào không làm được điều đó, nhưng giờ thì kết luận tất yếu của đường lối mới được lựa chọn tại Bắc Kinh là việc không hạ nhục Mỹ thực ra có lẽ lại được ưa chuộng hơn.28

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thái độ của Trung Quốc đối với cuộc chiến Việt Nam phần lớn vẫn không thay đổi. Trên thực tế, các cuộc đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và Liên Xô đã khiến Trung Quốc thay đổi quan điểm ủng hộ thận trọng mà Mao đưa ra vào tháng 11 đối với chiến lược “vừa đánh vừa đàm” của Bắc Việt Nam vì lo ngại rằng khả năng Xô-Mỹ bắt tay thỏa hiệp tại Việt Nam một lần nữa lại gia tăng. Tháng Hai năm 1969, đài phát thanh Bắc Kinh không đưa tin gì về cuộc tổng tấn công đợt 4 ở miền Nam Việt Nam, trong lúc sự quan ngại của Trung Quốc gần như chắc chắn tăng lên với nhận xét của Nixon hồi giữa tháng Ba nhấn mạnh định hướng chống Trung Quốc của chương trình ‘Phòng vệ’ ABM (chống tên lửa đạn đạo) mà ông đã phê chuẩn, và ngụ ý rằng Mỹ và Liên Xô có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc. Nỗi lo của Trung Quốc về tình trạng thông đồng (Xô – Mỹ) tăng lên, đi kèm với lo ngại về vai trò mà Việt Nam có thể có trong đó: cho tới tháng Tư một báo cáo về “cuộc cách mạng châu Á” đã không còn nhắc đến Việt Nam như một vị trí “tâm bão” của cách mạng. Một đoàn đại biểu của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam Việt Nam (cơ quan lãnh đạo chiến tranh ở miền Nam Việt Nam) đã đến Bắc Kinh trong dịp Đại hội lần thứ 9 ĐCSTQ, và hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai, qua đó làm bộc lộ sự đảo chiều trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tất nhiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo các đồng chí Việt Nam của mình đừng đặt niềm tin vào việc đàm phán ở Paris, và quay lại đường lối đã thống lĩnh hầu như suốt năm 1968 bằng việc nhấn mạnh giải pháp quân sự cho cuộc xung đột. Trong các cuộc họp tiếp theo một tuần sau đó khi có sự hiện diện của Thủ tướng Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng, Chu làm rõ hơn quan điểm của Trung Quốc, bày tỏ quan ngại về lập trường đàm phán mà Việt Nam đang áp dụng trong hội đàm ở Paris, cảnh báo họ “không thể nào nghĩ rằng các đồng chí có thể đánh lừa được Hoa Kỳ và những kẻ theo chủ nghĩa xét lại Liên Xô bằng chiến thuật của mình”. Ông kết luận với lời răn đe “các đồng chí nên dành ít ngoại tệ và [thời gian] của các cán bộ hơn cho việc đàm phán ở Paris”. Các quan điểm này sau đó được nhắc lại tương tự trong cuộc trò chuyện với Lê Đức Thọ nhân chuyến thăm của Lý Tiên Niệm.29

Nghi ngờ của Trung Quốc về ý định tiếp tục chiến đấu của Bắc Việt Nam kéo dài đến tận mùa hè năm 1969, khi khả năng về một cuộc xung đột lớn giữa Trung Quốc và Liên Xô tăng lên. Vào cuối tháng Tám năm 1969, những cuộc đụng độ vũ trang đặc biệt nghiêm trọng xảy ra dọc biên giới Tân Cương của Trung Quốc với Liên Xô. Cũng vào khoảng thời gian đó, Lê Thanh Nghị dẫn đầu một phái đoàn Bắc Việt Nam sang Trung Quốc trao đổi thêm một lần nữa về viện trợ của Trung Quốc trong năm sau. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Việt Nam chẳng nhận được gì hơn ngoài sự hỗ trợ tinh thần. Đối mặt với khả năng xảy ra chiến tranh với Liên Xô, Trung Quốc miễn cưỡng cam kết cung cấp nguồn lực cho đồng minh Việt Nam của họ, và nhấn mạnh với Việt Nam về tầm quan trọng của việc tự lực cánh sinh.30 Phương hướng chiến lược tương lai của những người cộng sản Việt Nam cũng được Bắc Kinh quan tâm “Các đồng chí muốn tiếp tục chiến đấu hay muốn hòa bình? Trung Quốc phải biết câu trả lời trước khi xem xét vấn đề viện trợ?”31

Tuy nhiên, đây không phải là sự đe dọa ‘trắng trợn’, như các nguồn tư liệu Việt Nam đã ngụ ý, mà đúng hơn là nỗ lực để có được sự đánh giá thực tế về nhu cầu của Bắc Việt Nam trong hoàn cảnh mà an ninh quốc gia của chính Trung Quốc đang bị đe dọa. Bản thân Trung Quốc cũng đã thông đồng với các đồng minh Bắc Việt Nam cất trữ trên đất Trung Quốc hàng hóa Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam DCCH mà Việt Nam chưa cần đến vào thời gian đó, nhưng họ “không muốn nói với Liên Xô rằng [các mặt hàng ấy] là không cần thiết”.32 Sau đó, vào mùa hè năm 1969, Bắc Kinh không muốn thấy sự giúp đỡ của họ cho Việt Nam rơi vào tình cảnh tương tự, nên nhu cầu quân sự của bản thân Trung Quốc đã được ưu tiên hơn. Tác động của điều này lên viện trợ của Trung Quốc cho Bắc Việt Nam là rõ ràng: trong sáu tháng đầu năm 1969 Bắc Kinh chỉ thực hiện được 31,4% viện trợ như đã hứa cho Hà Nội. Các bộ phận quân hậu cần Trung Quốc tiếp tục rút khỏi Bắc Việt Nam sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hết sức dè dặt ký vào bất kỳ thỏa thuận viện trợ nào cho năm tới. Cho tới cuối mùa hè, cũng như 12 tháng trước đó, giữa Trung Quốc và các đồng chí Bắc Việt Nam đã có những bất đồng nghiêm trọng.33

Tuy nhiên, một bước ngoặt quan trọng xảy ra vào đầu tháng Chín khi Hồ Chí Minh qua đời. Hồ vẫn luôn là mối liên kết chính yếu giữa những người cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cả về mặt văn hóa lẫn lịch sử. Ông vốn là một nhà cách mạng cùng thế hệ với Mao và Chu, có mối quan hệ cá nhân từ những ngày đầu của Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản Trung Quốc, và có quan hệ cá nhân thân thiết với Chu Ân Lai từ những ngày họ cùng hoạt động ở Paris sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Ông nói được nhiều phương ngữ Trung Quốc và uy tín cùng với quan hệ cá nhân của ông với Trung Quốc chắc chắn có ảnh hưởng tạo nên sự ôn hòa cho quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh. Khi ông không còn nữa, khả năng Bắc Việt thậm chí liên minh chặt chẽ hơn nữa với Liên Xô sẽ tăng lên. Vì vậy, chưa đầy ba tuần sau lễ tang của Hồ Chí Minh, hiệp định viện trợ kinh tế và quân sự cho năm 1970, vốn bị trì hoãn từ tháng Tư, đã được ký kết với những điều kiện mà Hà Nội cho là hào phóng đến bất ngờ. Khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện tức thì giữa Trung Quốc và Liên Xô giảm đi (sau cuộc gặp của Chu với Kosygin tại sân bay Bắc Kinh sau lễ tang của Hồ Chí Minh) đã cho phép lãnh đạo Trung Quốc nhìn xa hơn các yêu cầu an ninh quốc gia trước mắt để hướng tới một nền an ninh lâu dài, và điều này đòi hỏi phải duy trì quan hệ thân thiện với Bắc Việt Nam. Thêm vào đó, khi không còn Hồ Chí Minh, Trung Quốc cần thể hiện cử chỉ để khẳng định lại sự hậu thuẫn của mình đối với các đồng chí Việt Nam. Việt Nam đã chào đón hiệp định này như là “một biểu hiện rực rỡ mới của tình hữu nghị và đoàn kết chiến đấu ngày càng được củng cố và phát triển giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc anh em”. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam trong năm 1970 đạt mức thấp nhất trong các năm kể từ 1964, dẫn đến kết luận rằng viện trợ kinh tế chắc hẳn phải rất lớn.34

Những chuyến thăm tiếp theo của các quan chức cấp cao Bắc Việt Nam đã diễn ra. Ngay sau ngày ký kết hiệp định viện trợ, Phạm Văn Đồng đến Bắc Kinh để tham dự lễ kỷ niệm lần thứ hai mươi ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong thời gian đó ông đã tổ chức ba đợt hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc trước khi lên đường tham dự lễ kỷ niệm quốc khánh Đông Đức và ghé thăm Liên Xô vào ngày 3 tháng Mười. Trong thời gian ông vắng mặt, Chu cũng đã tổ chức một loạt các buổi trao đổi với Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, và Chủ tịch Ban Cố vấn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, nhấn mạnh hơn nữa sự đoàn kết của Trung Quốc với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc của Việt Nam và mong muốn cải thiện quan hệ. Sau một loạt các cuộc hội đàm khác nữa với Phạm Văn Đồng (khi ông ghé qua Bắc Kinh trên đường trở về Hà Nội) vào cuối tháng Mười, báo chí chính thức của cả hai bên đều đăng tải những bài tường thuật nồng nhiệt về tình hữu nghị vốn có giữa hai dân tộc.

Rõ ràng là vấn đề Việt Nam một lần nữa có tầm quan trọng trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và vào cuối tháng Chín đích thân Mao, trong một cuộc gặp gỡ với Phạm Văn Đồng, đã đề nghị thành lập các Nhóm chỉ đạo giúp đỡ Việt Nam tại bốn tỉnh của Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Hồ Nam) để thực hiện chức năng ‘Căn cứ Trợ giúp Việt Nam’. Nhằm nâng cao hiệu quả việc giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam, các nhóm của bốn tỉnh này sẽ phải tổ chức hội đàm với các tỉnh đối tác phía Việt Nam là những nơi được nhận viện trợ. Một hiệp định thương mại tiếp theo được ký kết tại Bắc Kinh vào cuối tháng Mười. Nhu cầu quốc phòng riêng của Trung Quốc đã hạn chế khả năng của họ cung cấp vũ khí cho Bắc Việt Nam, nhưng mong muốn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc chứng kiến những nhà cộng sản Việt Nam hất cẳng người Mỹ ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam thì không thay đổi.35

Trong thời gian này, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã và đang theo đuổi những bước đi đầu tiên để xích lại gần nhau. Thông qua các nhà trung gian hòa giải người Rumani và Pakistan, Nixon truyền đi thông điệp rằng ông tin là Châu Á không thể “tiến lên” nếu một dân tộc lớn như Trung Quốc vẫn còn bị cô lập.36 Ông tiếp tục chỉ thị cho đại sứ Mỹ tại Ba Lan, Walter Stoessel, tiếp cận với Trung Quốc nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán cấp đại sứ tại Vacsava vốn bị trì hoãn kể từ tháng Giêng 1968. Stoessel đã nắm lấy cơ hội trong một cuộc trình diễn thời trang tại Đại sứ quán Nam Tư ở Vacsava vào đầu tháng 12 năm 1969, và thông điệp được vội vã chuyển đến Bắc Kinh rồi được Chu chuyển lên cho Mao. Sau khi được Mao chấp thuận, Chu thông báo cho Đại biện lâm thời Trung Quốc ở Vacsava (đại sứ đã được gọi về Bắc Kinh trong thời gian Cách mạng Văn hóa) phản ứng tích cực với sáng kiến ​​của Mỹ, đồng thời ra lệnh thả hai người Mỹ bị bắt giữ vào hồi tháng Hai do xâm nhập trái phép vào vùng lãnh hải của Trung Quốc. Tin tức về việc phóng thích này đã được truyền đến người Mỹ thông qua đại sứ của họ tại Ba Lan. Việc liên lạc đã được thiết lập lại.37

Vào ngày mùng 8 tháng Giêng, Đại biện lâm thời Trung Quốc, Lôi Dương (Lei Yang), và đại sứ Mỹ đã gặp mặt không chính thức tại Đại sứ quán Hoa Kỳ và đồng ý tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên của họ vào ngày 20 tháng Giêng. Nhà sử học ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Trương Bái Giả (Zhang Baijia) đã viết:

Chu Ân Lai vẫn ấp ủ mối ngờ vực đáng kể về ý định của Nixon và do đó xử lý việc nối lại các cuộc đàm phán cấp đại sứ hết sức thận trọng. Trước đó Đài Loan vốn từng là vấn đề chính trong các cuộc đàm phán Trung-Mỹ, nhưng sau đó Hoa Kỳ rất ít nói đến đề tài này. Đối với Trung Quốc, một giải pháp về vấn đề Đài Loan là không thể tránh khỏi, bởi vì đó là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ.38

Vấn đề này đã được nhấn mạnh trong một bức điện Washington nhận được vào ngày 15 tháng Giêng thông qua đại sứ Nam Tư ở Kabul, nhưng thêm vào một tình tiết bất ngờ: “Việt Nam không ảnh hưởng gì đến quan hệ Trung-Mỹ”. Như Kissinger đã giải thích với tổng thống Mỹ: “Chúng ta phải rút khỏi Đài Loan. Tại Việt Nam, cuối cùng chúng ta cũng sẽ phải rút đi… Trung Quốc thúc bách chúng ta rút khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt và không nên nêu lên vấn đề này ở Vacsava. Chuyện này không ảnh hưởng gì đến quan hệ Mỹ-Trung”.39

Cuộc gặp gỡ giữa Lôi và Stoessel đã diễn ra sau đó năm ngày, và Stoessel bày tỏ việc chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng gửi một phái viên đến Bắc Kinh, hoặc chấp nhận một phái viên đến Washington để thảo luận kỹ lưỡng hơn. Lôi trả lời rằng nếu Washington quan tâm đến việc “tổ chức các cuộc họp ở cấp cao hơn hoặc thông qua các kênh khác” thì họ phải trình bày các đề xuất cụ thể hơn. Trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 20 tháng Hai, Trung Quốc trả lời rằng họ sẵn sàng tiếp một đại diện của tổng thống Mỹ tại Bắc Kinh, và cũng bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ trên cơ sở của năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.40 Tuy nhiên, đây dường như là cuộc họp cuối cùng của các cuộc đàm phán cấp đại sứ ở Vacsava, khi tình hình ở Đông Nam Á đã tạo thêm nhiều trở ngại cho cuộc đối thoại Trung-Mỹ.

Campuchia

Vào giữa tháng Ba, Hoàng thân Campuchia Norodom Sihanouk, trong khi đang ở nước ngoài, đã bị lật đổ và thay thế bởi tướng Lon Nol thân Mỹ. Để tỏ cử chỉ ủng hộ Sihanouk, người đã từng ẩn náu ở Bắc Kinh, Trung Quốc hoãn vòng 137 trong tiến trình đàm phán Vacsava. Vì có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Tưởng Kinh Quốc (con trai Tưởng Giới Thạch) vào tháng Tư, người Mỹ sau đó đã hoãn cuộc họp đến ngày 20 tháng 5. Tuy nhiên, không phải là lần đầu tiên cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á đã ảnh hưởng đến các sự kiện, và các cuộc đàm phán Vacsava đã không bao giờ được nối lại.41

Vào tháng Ba và tháng Tư, thông qua phản ứng đối với cuộc đảo chính ở Phnom Penh, các lãnh đạo Trung Quốc đã gửi một thông điệp rõ ràng đến Washington rằng dù tình hình ở Việt Nam như hiện tại không nhất thiết là một trở ngại cho việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, thì việc mở rộng chiến tranh hơn nữa sẽ chính là trở ngại. Cách thức công khai nhất mà qua đó thông điệp này được chuyển tải là Hội nghị thượng đỉnh nhân dân Đông Dương diễn ra vào cuối tháng Tư tại khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Tòng Hóa (Conghua), tỉnh Quảng Đông. Những người tham dự chủ chốt (Thủ tướng Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Ban Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng thân Souphanouvong, lãnh tụ của Pathet Lào, và, tất nhiên, Sihanouk) nhận được sự hỗ trợ của Chu Ân Lai, người đã tham gia vào lễ bế mạc của sự kiện này để biểu lộ sự ủng hộ hoàn toàn của chính phủ và nhân dân Trung Quốc đối với tuyên bố chung mà hội nghị đưa ra, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mặt trận không thể phá vỡ được của nhân dân các nước Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Campuchia, Lào và Việt Nam, những người sẽ “cùng nhau đoàn kết, chiến đấu và chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng”.42

Khi Nixon ra lệnh xâm nhập bất ngờ vào Campuchia ngày 1 tháng 5 để xóa bỏ các căn cứ của cộng sản Việt Nam ở đó, Trung Quốc đã có những biện pháp để cho thấy rằng sự cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không cần thiết phải đạt được bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên ban đầu, Trung Quốc chỉ đơn thuần đưa ra lời cảnh cáo nghiêm khắc về hành động khiêu khích trắng trợn của Hoa Kỳ, và bày tỏ sự ủng hộ đối với Hội nghị nhân dân các nước Đông Dương.43 Đích thân Mao thể hiện quan ngại của mình về bước ngoặt các sự kiện ở Đông Dương với các đồng chí Bắc Việt Nam tới thăm. Đồng thời, thể hiện lại quan điểm ủng hộ thận trọng đối với chiến lược của Việt Nam đưa ra 18 tháng trước, Mao nhắc Lê Duẩn rằng “Tôi không nói rằng các đồng chí không thể thương lượng, nhưng các đồng chí nên tập trung sức lực cho chiến đấu”. Mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ rõ ràng cũng nằm trong tâm trí của Mao trong cuộc trò chuyện này, và Mao đặt ra nhiều câu hỏi tu từ đề cập đến một Nixon không có mặt ở đó – “Các ông xâm lược một đất nước khác, vậy thì có gì sai khi chúng tôi ủng hộ nước này?” Bản chất nghịch lý của các chính sách mà Trung Quốc đang theo đuổi rõ ràng được cân nhắc rất nhiều, khi ông kết luận: “Chúng tôi không cần phải sợ hãi. Phân tích đến cùng thì chúng tôi không có quan hệ gì với các ông. Các ông đã chiếm đảo Đài Loan của chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa bao giờ chiếm Long Island của các ông”.44

Ngày 16 tháng Năm Trung Quốc quyết định hoãn vòng tiếp theo của cuộc đàm phán cấp đại sứ ở Vacsava dự định diễn ra vào ngày 20 tháng Năm. Tuy nhiên, để nhấn mạnh tính chất có điều kiện của các cuộc tiếp xúc tiếp theo, và để tỏ ra rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ các đồng chí Đông Dương của mình, Mao còn được đề nghị cần phải đưa ra một tuyên bố nhắc lại sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương và chính phủ Sihanouk. Sau đó quyết định đã được đưa ra nhằm tổ chức một cuộc biểu tình quần chúng ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 21 tháng Năm có sự tham dự của Mao, Lâm Bưu, Chu và cả Sihanouk vừa mới bị lật đổ, người đã lập ra một chính phủ lưu vong ở Bắc Kinh. Những hành động này cũng được vạch ra để kiểm tra phản ứng của Hoa Kỳ, và mức độ nghiêm túc của họ trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc.45

Việc hủy bỏ đàm phán được thông báo vào ngày 18 tháng Năm và rõ ràng đã làm Nixon lo ngại, đặc biệt khi các chiến dịch ở Campuchia trùng với các dấu hiệu tiến bộ trong cuộc đàm phán biên giới Trung-Xô. Tổng thống Mỹ hỏi cố vấn an ninh quốc gia của mình, “Nga và Trung Quốc lại đang có ‘trò’ nữa. Không có hòa dịu (détente), phải không?” Kissinger cam đoan với tổng thống rằng phản ứng của Trung Quốc, dẫu vẫn hiếu chiến như vậy, nhưng là những gì tốt nhất có thể hy vọng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Nhưng tổng thống rõ ràng vẫn quan ngại về các tác động có thể ảnh hưởng đến sách lược Trung Quốc của ông, và ra  lệnh cho Kissinger “mở lại kênh liên lạc qua Paris ngay lập tức”.46

Tuyên bố ngắn nhân danh Mao vào ngày 20 tháng Năm, với tiêu đề “Nhân dân thế giới, hãy đoàn kết lại để đánh bại bọn xâm lược Mỹ và tất cả bè lũ tay sai của chúng!” mang rất nhiều sắc thái, đi chệch khỏi đường lối của Đại hội lần thứ 9 bằng việc chỉ chọn riêng Mỹ để đánh bại, và không nhắc gì đến cái tên Liên Xô. Tuy nhiên, quan trọng nhất là một thực tế rằng việc lên án Hoa Kỳ phần lớn bỏ qua khía cạnh tư tưởng, và chỉ tập trung vào các vấn đề chủ quyền quốc gia. Thông điệp dành cho Nixon đã rõ ràng: việc cải thiện quan hệ Trung – Mỹ phụ thuộc vào việc Mỹ tiếp tục xuống thang không can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhằm tiến tới rút khỏi đó hoàn toàn. Một khi thực hiện được những điều như vậy mới có thể hợp tác được với nhau.47

Nhận chỉ thị của Nixon về việc thiết lập kênh Paris trước khi bản tuyên bố “Nhân dân thế giới đoàn kết lại” của Mao Trạch Đông được công bố, ngày 15 tháng 6 Thiếu tướng Vernon Walters, tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Paris, người chịu trách nhiệm bí mật tiếp xúc với Bắc Việt Nam ở đây, được lệnh chuyển một bức điện tới đối tác Trung Quốc của ông, trong đó bày tỏ mong muốn của Washington mở một kênh riêng khác để liên lạc. Trung Quốc không đáp lại những sáng kiến ​​này, mặc dù vào tháng Bảy họ tuyên bố phóng thích khỏi nhà tù James Walsh, một giám mục người Mỹ, bị bắt giữ từ năm 1958 về tội hoạt động gián điệp và đang hấp hối vì bệnh ung thư. Không nản lòng bởi sự im lặng của phía bên kia, Mỹ tiếp tục tiến tới bằng những cử chỉ và tín hiệu thiện chí riêng của mình, nới lỏng một loạt các hạn chế thương mại được áp đặt để chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn không có phản ứng nào khác trong suốt mùa hè 1970. Điều này một phần nhằm khiển trách Nixon về vấn đề Campuchia, nhưng thực ra Mao cũng còn phải bận tâm với các công việc nội bộ: suốt cả mùa hè 1970 việc tranh chấp giữa Mao và Lâm Bưu chi phối bức tranh chính trị của Trung Quốc.48

Để Hà Nội làm những gì họ muốn

Ảnh hưởng của Lào

Quan hệ cá nhân: Chu Ân Lai và Kissinger

Chính trị hội nghị thượng đỉnh

Kết luận

Chú thích

Tài liệu tham khảo

Xem phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Trung My xich lai gan nhau – chien tranh VN.pdf