Chân dung một Karl Marx đời thực

Print Friendly, PDF & Email

fd482c137fba5f5e01acb0e3d4f401ec

Nguồn: John Gray, “The Real Karl Marx“, New York Review of Books, 05/2013.

Biên dịch: Duy Đoàn | Hiệu đính:  Lê Hồng Hiệp

Jonathan Sperber cho rằng, theo nhiều cách, Marx là “một nhân vật nhìn về quá khứ”, người có tầm nhìn về tương lai được định khuôn theo những hoàn cảnh khác hoàn toàn so với bất kì hoàn cảnh nào phổ biến ngày nay:

Quan điểm của Marx trong vai trò một người có những ý tưởng định hình nên thế giới hiện đại giờ đã hoàn tất vai trò lịch sử của mình, và đã đến lúc cần một hiểu biết mới về ông như một khuôn mặt của một thời kì lịch sử trong quá khứ, một thời kì càng lúc càng cách xa chúng ta: thời đại của Cách mạng Pháp, của triết học Hegel, của những năm tháng đầu tiên của quá trình công nghiệp hoá tại Anh và của nền kinh tế chính trị bắt nguồn từ đó.

Mục tiêu của Sperber là trình bày Marx theo đúng con người thực sự của ông – một nhà tư tưởng thế kỉ 19 để hết tâm trí mình vào những ý tưởng và sự kiện của thời mình. Nếu bạn thấy Marx theo cách này, nhiều cuộc tranh cãi vốn đã tạo sóng gió quanh di sản của ông hồi thế kỉ trước dường như không mang lại lợi ích gì, thậm chí không liên quan gì. Nếu khẳng định Marx phần nào “chịu trách nhiệm về mặt trí thức” cho chủ nghĩa cộng sản thế kỉ 20, thì khẳng định đó có vẻ hết sức lầm lạc; nhưng chuyện tương tự cũng xảy ra đối với phe biện hộ Marx như một người theo dân chủ cấp tiến, bởi vì cả hai quan điểm đều “phóng chiếu ngược vào những tranh luận hồi thế kỉ 19 những quan điểm của những thời đại sau đó”.

Chắc chắn Marx hiểu những đặc tính cốt yếu của chủ nghĩa tư bản; nhưng đó là “những đặc tính của chủ nghĩa tư bản hiện hữu hồi những thập niên đầu của thế kỉ 19”, chứ không phải chủ nghĩa tư bản rất khác biệt hiện hữu hồi đầu thế kỉ 21. Một lần nữa, mặc dù ông hướng đến một dạng xã hội mới cho loài người vốn sẽ xuất hiện sau khi chủ nghĩa tư bản sụp đổ, nhưng Marx lại không có một khái niệm ổn thoả nào về hình hài của một xã hội như vậy. Đối với Sperber, dựa vào ông để tìm cái nhìn về tương lai của chúng ta là một cách làm sai lầm giống như việc đổ lỗi cho ông về những việc trong quá khứ của chúng ta.

Bằng cách dùng các ấn bản mới công bố về những trước tác của Marx và Engels – thường được biết với tên viết tắt MEGA trong tiếng Đức – làm một trong những nguồn tham khảo chính của mình, Sperber đã xây dựng nên một bức tranh về chính kiến của Marx vốn có những khác biệt giúp mở mang nhiều điều so với những cách nhìn trong các tài liệu thông thường lâu nay. Những lập trường mà Marx đi theo hiếm khi bị chi phối bởi những cam kết lí thuyết sẵn có từ trước liên quan đến chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản. Thường thì chúng phản ánh thái độ của ông đối với giới cầm quyền đang cai trị châu Âu và những xung đột của giới này, cũng như phản ánh những mưu đồ và những cuộc đối đầu mà ông tham dự trong vai trò một người hoạt động chính trị.

Đôi khi thái độ thù địch của Marx dành cho các chế độ phản động của châu Âu đã khiến ông có những tư tưởng cực đoan lạ kì. Là một người chống đối mạnh mẽ chế độ chuyên quyền của nước Nga, và là người tham gia chiến dịch ủng hộ cuộc chiến tranh cách mạng chống lại nước Nga hồi năm 1848-1849, ông trở nên thất vọng trước cách xử lí thiếu quyết đoán của người Anh đối với Chiến tranh Crimea. Khi chỉ trích việc giới cấp tiến hàng đầu Anh quốc chống lại cuộc chiến, Marx tiếp tục khẳng định rằng những chính sách ngoại giao yếu kém của Anh là do thủ tướng Lord Palmerston là một điệp viên ăn tiền của Sa hoàng, một trong nhiều kẻ phản bội tiếp nối nhau chiếm lĩnh các vị trí quyền lực ở Anh quốc trong hơn một thế kỉ – một lời buộc tội mà ông nhắc lại trong nhiều năm bằng một loạt những bài báo liên tiếp nhau vốn được cô con gái Eleanor in lại thành cuốn The Secret Diplomatic History of the Eighteenth Century (Lịch sử Ngoại giao Bí mật Thế kỷ 18).

Tương tự, cuộc tranh đấu của ông chống lại kình địch người Nga Mikhail Bakunin trong việc kiểm soát Hiệp hội Công nhân Quốc tế (International Working Men’s Association – IWMA) đã phản ánh mối thù hằn của Marx đối với chế độ quân chủ Phổ và mối nghi ngờ của ông rằng Bakunin là một tay ủng hộ thống nhất khối Slavơ với những liên kết bí mật với Sa hoàng, hơn là phản ánh thái độ thù địch của ông dành cho tư tưởng vô chính phủ theo kiểu chuyên chế của Bakunin. Cái định hình nên đời sống chính trị của Marx chính là những xúc cảm mạnh mẽ và lòng hận thù của thế kỉ 19 chứ không phải những xung đột về ý thức hệ theo kiểu cách quen thuộc của thời kì Chiến tranh Lạnh.

Quan điểm xét lại tinh tế của Sperber đã mở rộng đến cái thường được cho là những cam kết ý thức hệ nền tảng của Marx. Ngày nay cũng như xuyên suốt thế kỉ 20, Marx là nhân tố không thể tách rời khỏi ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản, nhưng ông không phải lúc nào cũng gắn bó với ý tưởng đó. Khi viết cho tờ Rhineland News vào năm 1842 trong chính bài viết đầu tiên của mình sau khi đảm chức biên tập, Marx đã khởi xướng một cuộc bút chiến sắc bén chống lại tờ báo hàng đầu nước Đức, tờ Augsburg General News, do đã xuất bản những bài viết cổ xuý chủ nghĩa cộng sản. Ông không công kích lại bất kì luận cứ nào cho rằng chủ nghĩa cộng sản là không thực tế, mà ông công kích ngay chính ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản. Khi than vãn rằng “những thành phố thương mại một thời phồn vinh đã không còn hưng thịnh nữa”, ông tuyên bố rằng sự lan truyền của của các ý tưởng cộng sản chủ nghĩa sẽ “hạ bệ trí năng của chúng ta, chế ngự tình cảm của chúng ta”, một tiến trình âm ỉ mà không có phương thuốc chữa trị rõ ràng. Ngược lại, bất kì nỗ lực nào để hiện thực hoá chủ nghĩa cộng sản sẽ dễ dàng bị chặn đứng ngay bằng vũ lực: “những nỗ lực thực tế [nhằm du nhập chủ nghĩa cộng sản], thậm chí nhiều nỗ lực cùng lúc, có thể được đáp lại bằng những khẩu đại bác”. Như Sperber viết, “Người mà sẽ viết Tuyên ngôn Cộng sản chỉ 5 năm sau đó lại cổ xuý việc dùng quân đội để đàn áp cuộc nổi dậy của giới công nhân theo chủ nghĩa cộng sản!”

Đây cũng không phải là một chuyện bất thường đơn lẻ. Trong bài nói chuyện trước Hội Dân chủ Köln (Köln Demokratische Gesellschaft – Cologne Democratic Society) vào tháng Tám năm 1848, Marx đã bác bỏ chế độ độc tài cách mạng do một tầng lớp duy nhất cầm quyền và gọi đó là “vớ vẩn” (nonsense) – một ý mâu thuẫn đến mức sửng sốt đối với quan điểm mà Marx đã phát biểu chỉ 6 tháng trước đó trong Tuyên ngôn Cộng sản, điều khiến những tay biên tập những bài phát biểu của ông sau này đã bác bỏ tính xác thực của nó một cách sai lầm. Và hơn 20 năm sau, lúc nổ ra cuộc chiến Pháp-Phổ, Marx còn coi mọi ý niệm về Công xã Paris là “vớ vẩn”.

Marx – kẻ chống Cộng sản – là một khuôn mặt lạ lẫm; nhưng rõ ràng có những thời điểm mà ông chia sẻ cùng quan điểm với những người tự do thời bấy giờ và sau này, mà theo đó chủ nghĩa cộng sản (cứ cho là có thể đạt được bất kì điều gì giống vậy) sẽ gây hại cho bước tiến của nhân loại. Đây chỉ là một ví dụ về một sự thật tổng quát hơn. Bất chấp khát vọng của chính ông và những nỗ lực của hàng bao thế hệ môn đồ của ông từ Engel trở đi, các ý tưởng của Marx chưa bao giờ hình thành một hệ thống thống nhất. Một nguyên do cho điều này là cuộc đời làm việc của Marx thường bị ngắt quãng. Mặc dù chúng ta nghĩ đến Marx như một lí thuyết gia náu mình trong thư viện của Viện bảo tàng Anh quốc, nhưng việc viết lý luận chỉ là một trong những thú tiêu khiển của ông và hiếm khi trở thành một việc làm chính yếu:

Thông thường, những theo đuổi về lí thuyết của Marx lép vế so với những hoạt động tốn thời giờ hơn nhiều: xử lý chuyện đi lại – di cư, làm báo, IWMA, trốn tránh mấy tay chủ nợ, và những căn bệnh nghiêm trọng hay chí tử vốn đang gây khổ sở cho con cái và vợ ông, và cho chính bản thân ông sau khi bắt đầu mắc bệnh về da vào năm 1863. Những công việc lí luận của Marx thường xuyên bị gián đoạn mỗi lần hàng tháng trời hoặc chỉ được thực hiện vào những buổi đêm khuya.

Nhưng nếu hoàn cảnh cuộc đời của Marx khó lòng thích hợp cho việc lao động liên tục vốn cần thiết để xây dựng hệ thống (lý luận), thì tính chất chiết trung trong lối tư duy của ông lại là một trở ngại lớn hơn nữa. Việc ông vay mượn ý tưởng từ nhiều nguồn là chuyện quen thuộc với giới học giả. Sperber còn bổ sung cho hiểu biết thông thường của chúng ta về tính chiết trung của Marx bằng cách nghiên cứu sự xung đột giữa việc Marx duy trì lòng trung thành với niềm tin của Hegel rằng lịch sử có một logic cố hữu về sự phát triển, với việc tôn thờ khoa học, điều Marx thụ đắc được từ phong trào thực chứng [thời bấy giờ, với ngọn cờ đầu là Auguste Comte – ND].

Bằng cách chỉ ra vai trò học thuật có tính chất định hình của chủ nghĩa thực chứng vào giữa thế kỉ 19, Sperber tự chứng tỏ bản thân là một người dẫn đường am hiểu vào thế giới ý tưởng của Marx. Một phần hiển nhiên vì giờ đây trong một số khía cạnh thì chủ nghĩa thực chứng dường như là một lĩnh vực phản động đáng xấu hổ nên nó đã bị giới sử gia nghiên cứu sự phát triển của tri thức lơ là. Tuy vậy nó lại sản sinh được những ý tưởng gây ảnh hưởng ghê gớm. Bắt nguồn với nhà xã hội chủ nghĩa Pháp Henri de Saint-Simon (1760-1825) nhưng được phát triển hoàn chỉnh bởi Auguste Comte (1798-1857), một trong những người khai sinh ra ngành xã hội học, chủ nghĩa thực chứng đề xướng một cái nhìn về tương lai vốn vẫn còn phổ biến và có tiếng nói mạnh mẽ ngày nay. Khi khẳng quyết rằng khoa học là mô hình cho mọi loại hình tri thức đích thực, Comte hướng đến một thời đại nơi mà các tôn giáo truyền thống đã mất dạng, những tầng lớp xã hội của quá khứ đã bị thay thế, và chế độ công nghiệp (industrialism, một thuật ngữ do Saint-Simon nặn ra) được tổ chức lại dựa trên cơ sở lí tính và hài hoà – một sự biến đổi sẽ xảy ra trong một chuỗi các giai đoạn tiến hoá tương tự với các giai đoạn mà giới khoa học tìm thấy trong thế giới tự nhiên.

Sperber bảo chúng ta rằng Marx mô tả những hệ thống triết lí của Comte là “thứ cứt mang mùi thực chứng chủ nghĩa”; nhưng lại có nhiều điểm tương đồng giữa quan điểm của Marx về xã hội và lịch sử với những quan điểm của giới thực chứng:

Dẫu cho Marx giữ cách biệt với những học thuyết [thực chứng] này, nhưng các yếu tố thực chứng lại nằm hiển hiện trong chính hình dung của ông về sự tiến bộ thông qua những giai đoạn khác nhau của sự phát triển lịch sử và sự phân chia lịch sử nhân loại thành hai thời kỳ, một kỉ nguyên phi lí tính thuở ban đầu và một kỉ nguyên công nghiệp và khoa học thuở sau.

Một cách sắc sảo, Sperber thấy được hai nét tương đồng căn bản giữa mô tả của Marx về sự phát triển nhân loại với mô tả của Herbert Spencer (1820-1903), người mà (chứ không phải Darwin) đã nghĩ ra cụm từ “sự sống sót của loài thích nghi nhất” (survival of the fittest) và dùng nó để biện hộ cho chủ nghĩa tư bản laissez-faire [tự do]. Chịu ảnh hưởng từ Comte, Spencer chia xã hội loài người thành hai loại, “loại ‘bạo lực’ (militant) và loại ‘công nghiệp’ (industrial), với loại đầu tiên định rõ toàn bộ phần quá khứ tiền công nghiệp, tiền khoa học, và loại thứ nhì đánh dấu một thời đại mới trong lịch sử thế giới”.

Thế giới mới của Spencer là một phiên bản lí tưởng hoá của chủ nghĩa tư bản thời Victoria thuở ban đầu, trong khi thế giới của Marx được cho là sẽ xuất hiện chỉ khi nào chủ nghĩa tư bản bị lật đổ; nhưng hai nhà tư tưởng này cùng gặp nhau tại một điểm khi cùng kì vọng “một kỉ nguyên mới thiên về khoa học, một kỉ nguyên khác về căn bản so với quá khứ của loài người”. Như Sperber đã kết luận: “Ngày nay, khách viếng thăm Nghĩa trang Highgate tại Bắc London có thể thấy ngôi mộ của Karl Marx và Herbert Spencer nằm đối diện nhau – mặc cho những khác biệt về tư tưởng giữa hai người, sự kề cạnh này không hẳn là một sắp đặt không thích hợp”.

Bài viết trích từ bài điểm cuốn sách Karl Marx: A Nineteenth-Century Life, của Jonathan Sperber, Liveright, 648 trang, $35.00, đăng trên New York Review of Books.

Xem thêm:  Karl Marx dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa tư bản (Phần 1)(Phần 2)

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]