Sự thật về ảnh hưởng của Israel tại Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

aipac

Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “AIPAC in Decline”, Project Syndicate, 9/10/2015. 

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sức mạnh trong vận động hành lang của Ủy ban liên lạc với xã hội Israel của Mỹ (The American Israel Public Affairs Committee – AIPAC) tại Hoa Kỳ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên việc AIPAC được cho là có khả năng kiểm soát các quyết định chính sách của Hoa Kỳ là một truyền thuyết kiểu “làng Potemkin”,[1] được đồn thổi bởi cả những người bạn và kẻ thù. Thực tế, vì Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu nên ảnh hưởng của AIPAC mới bị đe dọa như bây giờ – mặc dù bản thân ông sẽ không gặp phải vấn đề gì.

Những tuyên bố về quyền lực ngầm của AIPAC đã từ lâu định hình các phân tích chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Ví dụ, Steve Walt và John Mearsheimer, trong bài luận nổi tiếng của mình có tựa đề “Nhóm vận động hành lang Israel” (The Israel Lobby) khẳng định rằng chính AIPAC đã tạo ra cuộc chiến tranh Iraq.

Nhưng thực tế ít kinh khủng hơn thế nhiều: trong trường hợp đó, AIPAC hầu như chỉ lướt theo làn sóng ủng hộ xâm lược được tạo ra bởi Tổng thống George W. Bush, với những động lực đóng vai Đấng cứu rỗi của ông, và Phó Tổng thống Dick Cheney, bản thân là một người ủng hộ chiến tranh.

Sự thật về AIPAC – rằng tổ chức này có tầm ảnh hưởng nhưng không phải là không có điểm yếu – gần đây đã được phơi bày cho công chúng cũng như chính nhóm này. AIPAC đã bị ông Netanyahu đẩy vào một cuộc chiến không thể giành thắng lợi với chính quyền của Tổng thổng Hoa Kỳ Barack Obama về thỏa thuận hạt nhân với Iran, và giờ đây AIPAC lại đang sụp đổ dưới sức nặng từ sự ngạo mạn của chính nó.

Trên thực tế, AIPAC chưa bao giờ vượt qua được sự đối lập cương quyết từ vị Tổng thống Mỹ nào, đặc biệt trong vấn đề an ninh quốc gia. Tổ chức này không thể buộc Jimmy Carter ngừng bán máy bay chiến đấu F-15 Eagle cho Ả-rập Saudi vào năm 1978, hay ngăn Ronald Reagan cung cấp máy bay trinh thám AWACS cho nước này ba năm sau đó. Và cuộc chiến năm 1991 của tổ chức này với Tổng thống George H.W. Bush về việc Mỹ đảm bảo các khoản vay dành cho Israel để đổi lại sự ủng hộ của Thủ tướng Yitzak Shamir dành cho Hội nghị Hòa bình Madrid năm 1991 – một trong những di sản chính của ông Bush – cũng đã kết thúc trong thất bại.

Dựa trên bối cảnh này, AIPAC lẽ ra nên biết rằng nỗ lực của họ trong việc hợp tác chặt chẽ với các đối thủ phía đảng Cộng hòa của ông Obama nhằm ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân với Iran (một trong những thành tựu quan trọng nhất của Obama) sẽ thất bại. Thực tế, Obama thậm chí đã sử dụng một chiến thuật tương tự như của George H.W. Bush để chiến thắng. Tương tự như khi Bush thẳng thắn lên án “hàng ngàn nhà vận động hành lang” trong Quốc hội Hoa Kỳ chống lại một lợi ích quốc gia sống còn, Obama cũng đã nói trong một cuộc điện đàm rằng những người chỉ trích ông “sẽ chống lại bất kỳ thỏa thuận nào với Iran,” và chỉ rõ chiến dịch quảng bá trị giá 20 triệu USD của AIPAC nhằm chống lại thỏa thuận. Ông cũng đưa AIPAC vào cùng nhóm với những đảng viên Cộng hòa, những người “chịu trách nhiệm” vì đã đưa nước Mỹ vào cuộc chiến tranh Iraq.

Với AIPAC – trước giờ dựa vào một liên minh rộng rãi với các lực lượng xã hội và chính trị tại Hoa Kỳ vốn coi an ninh của Israel vừa là một lợi ích quốc gia sống còn và vừa là một nghĩa cử đạo đức – đây là một thất bại mới. Chiến dịch được hậu thuẫn bởi Đảng Cộng hòa chống lại một thỏa thuận chủ chốt được đàm phán bởi một tổng thống Dân chủ, với sự ủng hộ áp đảo của đảng này, đã đe dọa nền tảng lưỡng đảng của sự ủng hộ dành cho Israel tại Mỹ.

Dĩ nhiên, thỏa thuận hạt nhân liên quan tới nhiều nước hơn chứ không chỉ Mỹ và Iran. AIPAC đã phản đối một thỏa thuận quốc tế mà 6 cường quốc chính – Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ – đã ký trước đó và đã được Liên Hợp Quốc thông qua. Thậm chí một số người ủng hộ Israel nhiệt thành nhất trong Quốc hội cũng khó có khả năng tung đòn khiến danh tiếng quốc tế của Mỹ bị ảnh hưởng, và ý tưởng rằng những nước đang tham gia đàm phán sẽ đồng ý mở lại đối thoại nhằm tạo ra một “thỏa thuận tốt hơn” chỉ là một sự ảo tưởng. Tuy vậy đó vẫn là mục tiêu mà Netanyhu đặt ra cho AIPAC.

Cuộc tranh cãi về thỏa thuận Iran sẽ là một khoảnh khắc quan trọng với người Do thái ở Mỹ, những người vốn đã bị chia rẽ sâu sắc. Thực tế, Khảo sát ý kiến cộng đồng người Mỹ gốc Do thái năm 2015 của Ủy ban Do thái cho thấy sự hình thành của “hai tiểu cộng đồng người Do thái chia rẽ” mà trong đó một số lượng ngày càng lớn người Do thái cảm thấy xa cách với những tổ chức tuyên bố là đại diện cho họ.

AIPAC đại diện cho một sự bất thường đáng kinh ngạc trong đời sống của người Mỹ Do thái. Nó ngày càng gần gũi với chương trình nghị sự của Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ Thiên chúa giáo dòng Phúc âm (evangelical) của Israel, mặc dù các cuộc trưng cầu dân ý đã liên tục cho thấy rằng người Do thái là nhóm sắc tộc có tư tưởng tự do nhất ở Mỹ.

Sự thật là phần lớn người Mỹ Do thái phản đổi mạnh mẽ cuộc chiến tranh Iraq. Họ bỏ phiếu một cách áp đảo cho Đảng Dân chủ. Họ coi tôn giáo của mình là ôn hòa và dân chủ, rất nhiều người trong số đó ủng hộ quyền của người đồng tính và phá thai, cả hai thứ vốn bị người Công giáo dòng Phúc âm phản đối. Đại đa số người Mỹ Do thái thậm chí còn ủng hộ sự hình thành nhà nước Palestine. Và mặc dù còn tồn tại bất đồng về thỏa thuận với Iran, những người ủng hộ thỏa thuận này vượt xa số người phản đối.

Phần lớn lời buộc tội cho những tổn hại đã được gây ra – đối với AIPAC, các cộng đồng người Mỹ Do thái, và thậm chí cả tiến trình chính trị Hoa Kỳ – đều hướng tới Netanyahu. Nhưng ông có ít khả năng phải đối mặt với sự trừng phạt vì bất kỳ điều nào nói trên. Ngược lại, chính quyền Obama đã bắt đầu các thảo luận mà họ đã hứa hẹn về việc nâng cấp các năng lực chiến lược của Israel. Khi mà các nước Ả rập tại Trung Đông suy sụp – với những tác động lan tỏa sang các nước phương Tây ngày càng nghiêm trọng – thì Isarel tiếp tục được coi là một đối tác khu vực ổn định của Mỹ.

Nguy hiểm hơn nữa, Netanyahu có thể đạt được mục tiêu tiếp theo của mình: ngăn chặn một mối quan hệ chiến lược ấm dần lên giữa Hoa Kỳ và Iran, điều sẽ tạo điều kiện hợp tác giải quyết các xung đột chính trong khu vực, từ Yemen tới Syria. Cho dù thế nào đi nữa, chiến thắng của Obama trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể là điều không thể tránh khỏi, nhưng nó không hề là một chiến thắng dễ dàng. Một liên minh lạ kỳ giữa các nhóm cực đoan người Iran, AIPAC, liên minh người Hồi giáo dòng Sunni dẫn dắt bởi Ả-rập Saudi, chính phủ Israel và các chính trị gia Hoa Kỳ từ cả hai đảng đã buộc ông Obama phải hứa đưa ra các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Iran vì sự ủng hộ của nước này dành cho chủ nghĩa khủng bố. Kết quả là, cuộc chiến tranh lạnh của Mỹ với Iran sẽ vẫn nhiều khả năng còn tiếp diễn.

Shlomo Ben-Ami, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Israel, hiện là Phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì Hòa bình Toledo. Ông là tác giả của cuốn sách “Những vết sẹo chiến tranh, những vết thương của hòa bình: Thảm kịch Israeli-Arab” (Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli‑Arab Tragedy).

Copyright: Project Syndicate 2015 – AIPAC in Decline

—————–

[1] “Potemkin Village” – Làng Potemkin. Tương truyền, Grigory Potemkin dựng lên những khu làng di động giả dọc các bờ sông Dnieper nhằm đánh lừa Nữ hoàng Catherine II về sự trù phú của khu vực Ukraine và bán đảo Crimea, vốn nằm dưới quyền quản lý của Potemkin, trong chuyến đi thị sát của bà tới khu vực này năm 1787. Cụm từ ngày nay được sử dụng, đặc biệt trong chính trị và kinh tế, nhằm diễn tả những công trình (nghĩa đen hoặc nghĩa bóng) dựng lên nhằm duy nhất mục đích đánh lừa những người khác nghĩ rằng một số hoàn cảnh tốt hơn so với thực tế. – ND.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]