Từ nhà nước phúc lợi tới nhà nước đổi mới

Print Friendly, PDF & Email

Global_Innovation_iStock_000023208860Small

Nguồn: Dani Rodrik, “From Welfare State to Innovation State”, Project Syndicate, 14/01/2015.

Biên dịch: Nguyễn Vũ Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Một viễn cảnh ảm đạm đang ám ảnh nền kinh tế thế giới – viễn cảnh công nghệ tước đi công ăn việc làm. Cách giải quyết những thách thức này định hình vận mệnh của các nền kinh tế thị trường trên thế giới và các chính thể dân chủ theo đúng như cách thức mà phản ứng của Châu Âu trước sự gia tăng của phong trào xã hội chủ nghĩa vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã định hình tiến trình lịch sử sau đó.

Khi tầng lớp lao động công nghiệp mới bắt đầu có tổ chức, các chính phủ đã ngăn ngừa nguy cơ nổ ra cách mạng từ dưới lên, điều mà Karl Marx tiên đoán, bằng việc mở rộng các quyền xã hội và chính trị, điều tiết các thị trường, và xây dựng nên các nhà nước phúc lợi nhằm cung cấp các khoản trợ cấp quy mô lớn và bảo hiểm xã hội, đồng thời giảm thiểu tình trạng thất thường của nền kinh tế vĩ mô. Thực tế là họ đã tái cơ cấu hệ thống kinh tế tư bản để làm cho nền kinh tế mang lại lợi ích cho mọi thành phần và trao cho những người công nhân một phần lợi ích trong hệ thống.

Các cuộc cách mạng công nghệ ngày nay đòi hỏi một sự tái tạo toàn diện có tính chất tương tự. Những ích lợi tiềm tàng của các phát kiến và những ứng dụng mới trong khoa học người máy, công nghệ sinh học, công nghệ số và những lĩnh vực khác đều đang ở xung quanh chúng ta và có thể dễ dàng thấy được. Thực chất, nhiều người tin rằng nền kinh tế thế giới có thể đang ở đỉnh điểm của một đợt bùng nổ khác về các công nghệ mới.

Nhưng vấn đề là phần lớn những công nghệ mới này lại tiết giảm sức lao động của con người. Chúng đưa đến việc phải thay thế những người công nhân có tay nghề thấp và trung bình bằng máy móc được vận hành bởi số lượng nhỏ hơn rất nhiều các công nhân có tay nghề cao.

Tuy nhiên phải công nhận một điều rằng một số công việc kỹ năng thấp khó có thể được tự động hóa dễ dàng. Lấy công việc của những người lao công làm một ví dụ, nó khó có thể được thay thế bởi người máy, ít nhất là cho đến bây giờ. Nhưng rất ít công việc có thể được bảo vệ trước những tiến bộ khoa học công nghệ. Giả sử như trong trường hợp này, nếu lượng rác do con người tạo ra giảm xuống vì nơi làm việc được số hóa thì nhu cầu về người lao công cũng sẽ giảm xuống.

Trong một thế giới mà ở đó người máy và máy móc làm công việc thay cho con người thì không có nghĩa thế giới đó có tình trạng thất nghiệp cao. Nhưng đó chắc chắn là một thế giới mà ở đó phần lớn nhất của năng suất lao động gia tăng được đổ dồn về túi của những ông chủ sở hữu các công nghệ mới và các máy móc trang bị những công nghệ đó. Phần lớn lực lượng lao động sẽ bị thất nghiệp hoặc phải nhận lương thấp.

Thực sự, điều tương tự đã từng xảy ra ở những nước phát triển ít nhất trong khoảng bốn thập niên qua. Các công nghệ có hàm lượng vốn đầu tư và kỹ thuật cao đang là những thủ phạm hàng đầu đằng sau sự gia tăng bất bình đẳng từ cuối những năm 1970. Nhiều chỉ dấu cho thấy xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục, tạo ra những cấp độ bất bình đẳng mới chưa từng có trong lịch sử và nguy cơ lan rộng của xung đột chính trị và xã hội.

Nhưng xu hướng này không nhất thiết tới mức độ nguy hiểm đó. Một lần nữa, bằng những suy nghĩ sáng tạo và các thiết chế thể chế, chúng ta có thể cứu hệ thống kinh tế tư bản khỏi các nguy cơ do chính nó tạo ra.

Điều cốt yếu là thừa nhận rằng các công nghệ mới gây mất cân bằng đang đồng thời tạo ra các nguồn lợi lớn cho xã hội và làm cho một số người khác bị thiệt hại. Những lợi ích giành được hay những mất mát xảy ra có thể được tái cơ cấu lại theo cách thức có lợi cho tất cả mọi người. Cũng giống như tái cơ cấu lại hệ thống kinh tế tư bản trước đây được nhắc tới ở trên, nhà nước cần phải đóng vai trò lớn hơn.

Hãy xem xét cách các công nghệ mới được phát triển ra sao. Mỗi một nhà sáng tạo tiềm tàng có những thuận lợi to lớn nhưng đồng thời đối mặt với những rủi ro cao. Nếu sự đổi mới thành công thì những người tiên phong đó sẽ thu được lợi ích lớn, và xã hội nói chung cũng vậy. Nhưng nếu thất bại, nhà sáng tạo đó sẽ gặp khó khăn. Trong tất cả những ý tưởng mới được theo đuổi thì chỉ có rất ít ý tưởng đi đến thành công thương mại cuối cùng.

Những rủi rõ là đặc biệt cao tại thời điểm sơ khởi của giai đoạn cải tiến mới. Việc đạt được mức độ đổi mới đáng mong muốn cho toàn xã hội khi đó sẽ đòi hỏi hoặc là người khởi nghiệp đó phải thật táo bạo – sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm – hoặc phải có đủ nguồn cung vốn cho đầu tư mạo hiểm.

Các thị trường tài chính tại những nền kinh tế phát triển cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm thông qua một tập hợp các dàn xếp khác nhau – các quỹ đầu tư mạo hiểm, chào bán cổ phiếu ra công chúng, quỹ đầu tư tư nhân, vv… Nhưng chẳng có lý do gì để ngăn cản nhà nước đóng vai trò đầu tư này, thậm chí là ở quy mô lớn hơn, qua đó cho phép không chỉ nhiều cải tiến công nghệ hơn xảy ra mà còn chuyển những lợi ích đó trực tiếp tới xã hội nói chung.

Như Mariana Mazzucato đã chỉ ra, nhà nước đã đóng một vai trò quan trọng trong đầu tư công nghệ mới. Mạng Internet và nhiều các công nghệ then chốt được sử dụng trong điện thoại iPhone chính là tác động lan tỏa từ các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển của chính phủ và các dự án của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nhưng điểm đặc biệt là chính phủ Mỹ lại không đòi hỏi lợi ích gì từ việc thương mại hóa các công nghệ thành công đó mà để những lợi ích đó lại cho những nhà đầu tư tư nhân.

Hãy hình dung rằng một chính phủ đã tạo ra một loạt các quỹ đầu tư công mạo hiểm được quản lý chuyên nghiệp nhằm gây vốn đầu tư cần thiết thông qua phát hành trái phiếu ra các thị trường tài chính, sau đó nắm giữ cổ phần trong một loạt các công nghệ mới. Những quỹ này sẽ hoạt động theo quy luật thị trường và công bố kiểm toán định kỳ cho các cơ quan quản lý của chính phủ (đặc biệt là khi tỷ lệ hoàn vốn tụt xuống dưới một mức nhất định), còn ngoài ra quỹ có thể hoạt động một cách tự chủ.

Thiết lập những thể chế đúng đắn như vậy cho đầu tư công mạo hiểm sẽ là rất khó khăn. Nhưng các ngân hàng trung ương là một mô hình mà theo đó những quỹ này có thể hoạt động độc lập khỏi áp lực chính trị thường nhật. Xã hội, thông qua đại diện của mình là chính phủ, khi đó sẽ đóng vai trò là một đồng chủ sở hữu của các thế hệ công nghệ và máy móc mới.

Phần lợi ích từ quá trình thương mại hóa các công nghệ mới mà các quỹ đầu tư công mạo hiểm chia sẻ sẽ được chuyển trở lại cho những công dân của nước đó dưới hình thức một dạng cổ tức “canh tân xã hội” – và nguồn thu nhập này sẽ bổ sung cho thu nhập mà công nhân nhận được từ thị trường lao động. Nó cũng cho phép giảm giờ làm, và cuối cùng tiến dần đến giấc mơ của Marx về một xã hội mà ở đó các tiến bộ kỹ thuật tạo điều kiện cho từng cá nhân trong xã hội được tự do “đi săn vào buổi sáng, câu cá vào buổi chiều, chăm sóc gia súc vào buổi tối và tranh luận sau bữa ăn tối.”

Nhà nước phúc lợi là một sự đổi mới làm dân chủ hóa và qua đó ổn định hóa hệ thống kinh tế tư bản trong thế kỷ 20. Thế kỷ 21 đòi hỏi một sự chuyển đổi tương tự để hướng tới một “nhà nước đổi mới”. Điểm yếu của nhà nước phúc lợi là nó đòi hỏi chính sách đánh thuế cao mà không kích thích sự đầu tư bù đắp vào năng lực đổi mới. Một nhà nước đổi mới được thành lập theo phác thảo ở trên sẽ điều hòa giữa lợi ích và các động cơ thúc đẩy đầu tư.

Dani Rodrik là Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Thế giới tại Trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard. Ông là tác giả của các cuốn sách One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth (Princeton University Press, 2009) và, gần đây nhất, là The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy (W. W. Norton & Company, 2012).

Copyright: Project Syndicate 2015 – From Welfare State to Innovation State

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]