Cuộc khủng hoảng đồng Euro của IMF

Print Friendly, PDF & Email

IMF-Get-Out

Nguồn: Ngaire Woods, “The IMF’s Euro Crisis”, Project Syndicate, 27/07/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong vài thập niên vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã học được 6 bài học quan trọng về phương pháp giải quyết khủng hoảng nợ công. Nhưng những bài học ấy đã bị lãng quên trong quá trình Quỹ giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Việc tham gia vào quá trình giải cứu khu vực Eurozone của IMF có thể đã làm tăng ảnh hưởng và giúp Quỹ nhận được sự ủng hộ ở châu Âu. Nhưng việc Quỹ và các cổ đông châu Âu không tuân theo các tiêu chuẩn hành vi tốt nhất của mình đến một ngày sẽ cho thấy đó là một bước đi sai lầm chết người.

Một bài học quan trọng bị lãng quên trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp là khi việc cứu trợ trở nên cần thiết thì chỉ được thực hiện một lần và phải thật dứt khoát. Quỹ IMF học được bài học này vào năm 1997, khi gói cứu trợ cho Hàn Quốc bị thiếu hụt và điều này dẫn đến vòng đàm phán thứ hai. Tại Hy Lạp vấn đề còn tệ hơn nữa, vì gói cứu trợ trị giá 86 tỉ Euro đang được bàn bạc đến diễn ra sau một gói cứu trợ trị giá 110 tỉ Euro vào năm 2010 và một gói khác trị giá 130 tỉ Euro năm 2012.

Một mình quỹ IMF thì rất bị hạn chế. Vì những khoản cho vay bị giới hạn theo mức đóng góp của một quốc gia cho nguồn vốn của IMF nhân với một tỉ số nhất định, và nếu theo cách tính này thì những khoản cho Hy Lạp vay đã lớn hơn tất cả những khoản vay khác trong lịch sử của Quỹ. Tuy nhiên, các chính phủ Eurozone không phải đối mặt với những hạn chế này, và vì thế có thể đặt ra một chương trình cứu trợ bền vững hơn.

Một bài học khác mà IMF quên là đã không cứu trợ các ngân hàng. IMF học bài học này một cách rất đau đớn vào thập niên 1980, khi quỹ chuyển các khoản nợ xấu của các nước châu Mỹ Latinh vào sổ sách của Quỹ và các quốc gia khác. Trong trường hợp của Hy Lạp thì các khoản nợ xấu mà các ngân hàng Pháp và Đức cho vay được chuyển qua sổ sách công, vì thế không những chuyển tác hại qua những người trả thuế mà còn đến tất cả các thành viên IMF.

Bài học thứ ba mà IMF không thể áp dụng cho trường hợp Hy Lạp là việc thắt lưng buộc bụng sẽ dẫn đến một vòng luẩn quẩn, khi việc cắt giảm chi tiêu sẽ làm thu hẹp nền kinh tế nhiều hơn là khi không áp dụng chính sách này. Vì IMF cho vay ngắn hạn nên Quỹ có xu hướng phớt lờ những ảnh hưởng của việc thắt lưng buộc bụng nhằm đạt được các dự báo tăng trưởng có lợi cho khả năng trả nợ. Cùng lúc ấy, các thành viên của Eurozone do muốn tìm cách biện minh cho việc giảm hỗ trợ tài chính (cho Hy Lạp) nên cũng muốn bỏ qua những tác động xấu của thắt lưng buộc bụng.

Bài học thứ tư mà IMF đã học được là những cải cách sẽ có nhiều khả năng được thực hiện hơn nếu ít và có trọng tâm. Khi một quốc gia cần hỗ trợ tài chính, việc đòi hỏi một danh sách cải cách dài là một điều hấp dẫn đối với các chủ nợ.  Nhưng một đất nước bị khủng hoảng trầm trọng sẽ rất vất vả để đáp ứng nhiều yêu cầu cùng một lúc.

Trong trường hợp Hy Lạp, IMF và các đối tác châu Âu đã yêu cầu chính phủ Hy Lạp không chỉ cắt giảm chi tiêu, mà còn phải cải cách sâu rộng các mảng thuế, lương hưu, tòa án, và thị trường lao động. Mặc dù những giải pháp cấp bách nhất cũng sẽ không ảnh hưởng đến tình hình tài chính Hy Lạp ngay lập tức, nhưng IMF không còn cách nào khác ngoài việc nhấn mạnh việc cắt giảm chi tiêu ngắn hạn để nâng khả năng trả nợ, cho dù điều này làm những cải cách dài hạn khó khăn hơn.

Bài học thứ năm là cải cách sẽ không thành công trừ khi chính phủ hết sức thúc đẩy nó. Những yêu cầu bị nước ngoài áp đặt thì chắc chắn sẽ thất bại. Trong trường hợp của Hy Lạp, những cân nhắc chính trị trong nước buộc các chính phủ châu Âu phải gây áp lực lên chính quyền Hy Lạp. IMF cũng tìm cách để cho thấy là Quỹ đang mạnh tay với Hy Lạp, như họ đã từng làm với Brazil, Indonesia và Zambia, mặc dù điều đó sẽ phản tác dụng.

Bài học thứ sáu mà IMF phủi qua một bên là việc cứu trợ những quốc gia không quản lý được hoàn toàn đồng tiền của mình sẽ gây thêm rủi ro. Như Quỹ đã học được ở Argentina và Tây Phi, những quốc gia này thiếu một trong những giải pháp dễ dàng nhất để điều chỉnh theo khủng hoảng nợ, đó là phá giá đồng tiền.

Sau khi đã thất bại trong việc cảnh báo Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha về những hiểm họa của việc gia nhập một khối đồng tiền chung, IMF đáng lẽ phải cân nhắc xem việc can thiệp vào khủng hoảng Eurozone có phải là điều phù hợp hay cần thiết hay không. Những lý do mà quỹ đưa ra cho thấy những rủi ro liên quan đến quyết định của họ.

Lý do rõ ràng nhất khiến IMF hành động là việc châu Âu không thể giải quyết được các vấn đề của họ nhưng lại có quyền lực và ảnh hưởng để lôi kéo IMF vào cuộc. Giám đốc của IMF là một người châu Âu, và các quốc gia châu Âu được hưởng số phiếu bầu vượt trội trong hội đồng quản trị IMF.

Tuy nhiên, cũng quan trọng không kém là thực tế rằng IMF đưa ra quyết định của họ trong lúc đang phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn. Trong lịch sử, mối nguy hiểm lớn nhất cho sự tồn tại của IMF là việc nó trở nên không còn phù hợp. IMF gần như đã trở nên không còn cần thiết trong thập kỷ 1970, khi Mỹ thả nổi đồng đôla. Sau đó IMF được cứu vãn vào năm 1982 nhờ cuộc khủng hoảng nợ Mexico, sự kiện làm bệ phóng đưa Quỹ lên vai trò người cứu hộ của nền tài chính thế giới.

Một thập niên sau, sự thích hợp của IMF lại trên đà giảm, nhưng Quỹ lại được cứu sống bởi vai trò trong việc biến đổi nền kinh tế của các quốc gia trong khối Liên Xô cũ. Đến thời điểm khủng hoảng Eurozone, Quỹ lại gặp khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khi các thành viên làm tất cả mọi thứ để cố tránh phải dựa vào quỹ.

Việc IMF tham gia vào khủng hoảng Eurozone đã đưa ra thêm một lý do khác khiến các quốc gia mới nổi hùng mạnh thêm bất mãn. Sau khi bị Mỹ ngăn cản không cho một tiếng nói lớn hơn trong Quỹ, họ bây giờ thấy rằng Quỹ đang làm theo chỉ đạo của châu Âu. Sẽ rất khó khăn để lấy lại sự tin tưởng của những thành viên ngày càng có ảnh hưởng này. Trừ khi Mỹ và Liên minh Châu Âu từ bỏ sự chi phối Quỹ thì nỗ lực mới nhất để lấy lại ảnh hưởng của IMF có thể là nỗ lực cuối cùng của nó.

Ngaire Woods là Hiệu trưởng Trường Quản trị Chính phủ Blavatnik và là Giám đốc Chương trình Quản trị Kinh tế Toàn cầu tại Đại học Oxford.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The IMF’s Euro Crisis