16/07/1945: Hoa Kỳ thử thành công bom nguyên tử

Print Friendly, PDF & Email

FatManLarge

Nguồn:Atom bomb successfully tested,” History.com (truy cập ngày 15/7/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1945, đúng 5 giờ 29 phút 45 giây sáng theo giờ địa phương, Dự án Manhattan – dự án nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ với sự hỗ trợ của Anh Quốc và Canada trong Thế chiến II – kết thúc bằng một vụ nổ khi quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới được thử nghiệm thành công ở Alamogordo thuộc tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ.

Các kế hoạch tạo ra một quả bom uranium của phe Đồng Minh bắt đầu được đưa ra từ đầu năm 1939, khi nhà vật lý lưu vong người Ý Enrico Fermi gặp gỡ các quan chức Hải quân Mỹ tại Đại học Columbia để thảo luận về việc sử dụng các vật liệu phân hạch cho mục đích quân sự. Cùng năm đó, Albert Einstein viết thư cho Tổng thống Franklin Roosevelt để ủng hộ một lý thuyết cho rằng phản ứng hạt nhân dây chuyền không kiểm soát nhiều khả năng có thể làm cơ sở cho một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đến tháng 2 năm 1940, chính phủ liên bang đã cấp tổng cộng 6.000 USD ở thời điểm đó để tiến hành nghiên cứu. Nhưng đến đầu năm 1942, khi Hoa Kỳ đang vướng vào cuộc chiến với phe Trục, và sợ rằng Đức cũng đang nghiên cứu cách chế tạo bom uranium, Bộ Chiến tranh (tiền thân của Bộ Lục quân thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) trở nên quan tâm hơn đến dự án, và giới hạn về nguồn lực dành cho dự án đã được dỡ bỏ.

Chuẩn tướng Leslie R. Groves, bản thân là một kỹ sư, được giao nhiệm vụ phụ trách dự án tập hợp các bộ óc khoa học vĩ đại nhất và nghiên cứu cách khai thác sức mạnh của các nguyên tử như một phương tiện để mang chiến tranh tới chiến thắng cuối cùng. Dự án Manhattan (được đặt theo tên nơi nghiên cứu bắt đầu) được tiến hành trên nhiều địa điểm trong thời kỳ đầu của hoạt động thăm dò mang tính lý thuyết, quan trọng nhất là Đại học Chicago, nơi Enrico Fermi đã khởi động thành công các phản ứng phân hạch dây chuyền đầu tiên.

Tuy nhiên, cuối cùng dự án được chuyển tới sa mạc New Mexico, nơi mà năm 1943, nhà vật lý Robert Oppenheimer bắt đầu chỉ đạo Dự án Y (Project Y) tại một phòng thí nghiệm ở Los Alamos, cùng với các nhà vật lý Hans Bethe, Edward Teller, và Fermi. Thực nghiệm và lý thuyết đã gặp nhau ở đây, khi những vấn đề quan trọng như tạo ra được một vụ nổ hạt nhân và một quả bom có thể chuyên chở đã được giải quyết.

Cuối cùng, vào sáng ngày 16 tháng 7, trên sa mạc New Mexico nằm cách thành phố Santa Fe gần 200 kilômét về phía Nam, quả bom nguyên tử đầu tiên đã phát nổ. Các nhà khoa học và một vài quan chức đã phải di chuyển ra cách đó hơn 9 kilômét để chứng kiến đám mây hình nấm đầu tiên phát ra ánh sáng chói lọi bốc lên hơn 12 kilômét vào bầu khí quyển và tạo ra sức tàn phá tương đương 15 đến 20 ngàn tấn thuốc nổ TNT. Bệ đỡ quả bom đã hoàn toàn bốc hơi.

Sau khi bom nguyên tử được thử thành công, vấn đề còn lại là nó sẽ được thả xuống nước nào? Đức là mục tiêu ban đầu, tuy nhiên nó đã đầu hàng. Quốc gia hung hăng duy nhất còn lại là Nhật Bản. Quả thật, quốc gia này sau đó đã phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong hai ngày mùng 6 và mùng 9 tháng 8 năm 1945.

Dự án Manhattan với kinh phí 6.000 USD ban đầu cuối cùng đã vọt lên tới tổng chi phí 2 tỉ USD vào thời điểm đó (tương đương khoảng 26 tỉ USD năm 2015).

Ảnh: Quả bom “Fat Man” được thả xuống Nagasaki ngày mùng 9 tháng 8 năm 1945. Ảnh chụp tháng 8 năm 1945. Nguồn: Bộ Năng lượng Hoa Kỳ <www.osti.gov>.